Đồ chơi không chỉ là những món đồ tiêu khiển mà nó chính là cánh cửa giúp trẻ khám phá thế giới và rèn luyện những kỹ năng đầu đời. Để làm được điều đó, những đồ chơi đắt tiền không hẳn là lựa chọn tốt nhất mà những vật dụng hằng ngày trong gia đình với chút tinh ý của mẹ mới chính là điều trẻ cần.
Dưới đây là những món đồ chơi “không tốn tiền” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Đối với trẻ sơ sinh: Ở giai đoạn này, trẻ thích những đồ vật kích thích thị giác, có màu sắc tươi sáng, kết cấu kỳ lạ và có khả năng tạo ra những âm thanh vui nhộn.
- Những phím bấm
Trẻ sơ sinh luôn bị hấp dẫn bởi những thứ có thể chạm vào và tạo ra hiệu ứng như những phím bấm và sẽ thú vị hơn nếu nó tạo ra những âm thanh kích thích trẻ. Bạn có thể chọn một món đồ có phím bấm và mang theo cho trẻ chơi khi đi ra ngoài, nó thực sự có tác dụng làm trẻ vui nhiều hơn bạn nghĩ đấy.
- Chiếc gương
Sẽ mất một khoảng thời gian ngắn để trẻ có thể nhận ra khuôn mặt của mình trong gương nhưng chắc chắn trẻ sẽ luôn thích thú với một người bạn bằng tuổi đang chăm chú nhìn mình.
- Một chiếc lọ
Hãy bỏ vài hòn bi hoặc bất kỳ thứ hạt gì vào trong một chiếc lọ rỗng, nắp chặt và lắc nó trước mặt trẻ, trẻ sẽ lập tức bị hấp dẫn bởi món đồ chơi ồn ào này ngay.
- Một tấm đệm hoặc một chiếc gối to
Trẻ sơ sinh đều sẽ trải qua giai đoạn tập lật, lẫy hãy làm cho trẻ thích tập hơn bằng cách dùng một tấm đệm dày vừa phải có màu sắc bắt mắt các mẹ nhé.
- Khuôn mặt của bố/ mẹ
Thực tế là giọng nói và cách biểu cảm khuôn mặt của mẹ thú vị hơn bất kì loại đồ chơi nào của trẻ. Đừng tiếc thời gian khiến trẻ say mê với tiếng cười, giọng nói và những biểu cảm ngộ nghĩnh nhé.
Đối với trẻ 1 tuổi: Giai đoạn này kỹ năng vận động của trẻ phát triển lên một mức mới, nó giúp trẻ có thể cầm nằm đồ vật và đặt vào một vị trí khác.
- Những chiếc hộp nhựa có nắp đậy
Trẻ một năm tuổi có thể dành ra hàng giờ say mê đóng mở nắp những chiếc hộp nhựa và xây tháp với chúng. Hãy khen ngời trẻ khi trẻ xây được tháp cao, điều này sẽ kích thích trẻ chơi giỏi hơn ở những lần sau đấy.
- Nam châm gắn tủ lạnh
Những miếng nam châm gắn tủ lạnh đối với người lớn thật bình thường nhưng với trẻ nhỏ đó đúng là một thứ ma thuật kì diệu.
- Đồ vật để chơi dưới nước
Ngâm mình một lát trong bồn hoặc chậu tắm sẽ không làm trẻ ốm đâu, vậy nên các mẹ hãy cho trẻ tận hưởng khoảng thời gian này với bình nhựa, cốc nhựa cùng thìa muỗng để trẻ chơi trò đổ đầy nước nhé.
- Tự làm bong bóng
Với công thức ½ cốc nước rửa bát cùng 5 cốc nước và 2 thìa glycerin (mua tại các hiệu thuốc) các mẹ đã có sẵn một bình đầy dung dịch thổi bong bóng cho trẻ chơi mỗi ngày rồi đó.
- Một chiếc hộp lớn
Trẻ độ tuổi này mới chập chũng biết đi và rất thích thu thập đồ vật, hãy cho trẻ luyện thói quen cất giữ đồ bằng cách tặng cho trẻ một chiếc hộp lớn (làm từ thùng các tông chẳng hạn) để trẻ có thể bỏ tất cả những món đồ của chúng. Mẹ có thể dạy trẻ phân loại những món đồ có thế giữ lại lâu dài hay món nào cần phải bỏ đi.
Đối với trẻ 2 tuổi: Ở giai đoạn này, trí tưởng tượng của bé phát triển mạnh mẽ vì vậy mẹ hãy tạo ra những trò chơi tình huống để bé tham gia hoặc bắt chước làm theo nhé.
- Khăn trải bàn
Bé có thể dựng lều, làm áo choàng công chúa với chiếc khăn trải bàn mẹ cho đấy.
- Chiếc điện thoại di động cũ
Trẻ hai tuổi sẽ làm theo những gì mẹ làm vậy nên hãy cho bé một chiếc điện thoại riêng để thực hiện cuộc gọi của riêng mình. Đừng chơi những trò chơi trên điện thoại trước mặt trẻ hoặc cho trẻ tiếp xúc với những chiếc điện thoại cảm ứng quá sớm nếu không muốn trẻ lăn ra ăn vạ đòi điện thoại của bạn.
- Hộp các tông lớn
Giờ là lúc mẹ cần phát huy trí tưởng tượng của mình bằng dựng một ngôi nhà nhỏ cho bé từ những hộp các tông lớn. Đừng ngại hỏi thăm những siêu thị điện máy nhé, bạn sẽ có ngay nguyên liệu mình cần đó.
- Hình dán
Đừng vội nghĩ đến những miếng hình dán bán sẵn ngoài hiệu sách, thay vào đó mẹ hãy cắt những phần hình ảnh vui nhộn trong tạp chí hoặc dùng giấy màu cho trẻ tập xé dán. Nếu lo ngại bé sẽ cho hồ dán vào miệng bạn có thể dùng chút cơm nguội để thay thế nhé.