Bạn của mình kể chuyện đã chuyển trường cho con ngay từ tuần đầu tiên khi con vào cấp 1, mà trước đó bạn đã mất thời gian để xin con vào trường. Bạn kể tuần đầu tiên, cô giáo của con đã gọi phụ huynh lên và phán “tất cả các bạn đều đã biết chữ trừ con của anh, con của anh có vấn đề”.
Ông bố nóng giận, bực tức, hùng hổ đáp trả “cô có vấn đề thì có”. Và quyết định đưa thẳng con lên phòng hiệu trưởng, xin để chuyển trường cho con sang một trường khác.
Ai có vấn đề trong trường hợp này? Phụ huynh hay cô giáo? Hay là con?
Bạn có con chuẩn bị vào lớp một, bạn sẽ thấu hiểu việc quyết định cho con không học chữ trước khi vào lớp một là một câu chuyện không hề dễ dàng chút nào. Mặc dù, rất nhiều phụ huynh đều hiểu rằng học chữ sớm có thể làm hại con, làm giảm sự sáng tạo của con, hay thậm chí được coi là đánh cắp tuổi thơ của con. Nhưng đi học chữ trước lớp một dường như là điều bắt buộc đối với các phụ huynh.
Mình làm ở trường mầm non học theo cách thức học thông qua hoạt động và vui chơi. Phụ huynh khi đến tìm trường cho con đều khẳng định “Mình tìm trường cho con chơi”. Nhưng tới khi con lên tới lớp lá (5-6 tuổi), rất nhiều phụ huynh yêu cầu dạy chữ cho con.
Cô giáo mầm non vốn không quen với việc dạy viết chữ cho con phải lụi cụi vào các trang mạng tìm kiếm cách thức dạy chữ cho con. Nhìn cô và trò vụng về đánh vật với việc viết chữ thấy thương cô và cả tụi nhỏ. Ở trường Bé Ong Sài Gòn, các con thường học chữ thông qua vui chơi như xếp chữ, viết chữ trên cát ở bàn sáng, hay viết màu trên vải bằng tay.
Tại sao phụ huynh lại mong muốn cho con học chữ từ sớm? Chia sẻ với chúng tôi, hầu hết phụ huynh lo lắng con vào lớp một không theo kịp các bạn. Có nhiều bạn bè tự hào khoe con đọc răm rắp và viết chính tả khi con mới tròn 4. Phụ huynh tự hỏi “Con người ta 3, 4 tuổi biết đọc biết viết, con mình 5-6 tuổi rồi sắp vào lớp một không biết chữ thì liệu có sao không”?
Không chỉ gây áp lực cho trường mầm non dạy chữ cho con, nhiều phụ huynh lo lắng, truyền miệng về nơi luyện chữ, nơi các cô giáo lớp một của trường cấp 1 dạy chữ con để có thể yên tâm cho con vào lớp một. Thực tế, nhiều trung tâm luyện chữ tổ chức lớp luyện chữ cho con khi con 5 tuổi.
Kết quả là, càng ngày các con càng ngày biết chữ càng sớm, thay vì vào lớp một con mới bắt đầu học chữ. Số lượng trẻ trong lớp biết chữ nhiều tới mức mà một số cô giáo lớp một dường như coi việc con biết chữ trước khi vào lớp một là đương nhiên. Mình đã nghe bạn bè phàn nàn vì cô giáo cứ gặp là chê con viết chậm hơn các bạn, con viết xấu hơn các bạn. Phụ huynh không cho con đi học chữ sớm cũng nhức hết cả đầu. Và khi đã phàn nàn với phụ huynh, liệu có dám chắc là cô không chê bai con, nhìn con với ánh mắt theo kiểu “con từ trên trời rơi xuống” khi con chưa biết chữ.
Con chuyển từ mầm non lên lớp một, phụ huynh có trăm ngàn mối lo. Ở mầm non, con có thể vừa học vừa chạy, vừa hát, thậm chí vừa hò hét. Con không ăn, cô tìm cách cho con ăn. Con tè dầm, chuyện bình thường ở huyện.
Còn cấp 1, hầu hết các trường bắt con “ngồi đẹp” trong khi học. Thậm chí ở rất nhiều trường, giờ ra chơi con cũng chỉ được “đi nhẹ nói khẽ” vì trường quá đông, nếu chạy có thể dẫn đến những va chạm không an toàn cho trẻ.
Hầu hết các con luyện chữ như đánh vật cả ở trường và ở nhà. Không ít trường, cô giáo bắt buộc con về nhà phải luyện ít nhất một trang mỗi ngày. Nếu con không hoàn thành thì sẽ bị phê bình. Báo hại phụ huynh tối nào cũng lo hò hét bắt con hoàn thành bài tập cô giao. Học lớp một không chỉ thành nỗi ám ảnh của trẻ mà còn đối với cả phụ huynh.
Làm thế nào để con có thể “vui vẻ và hạnh phúc” khi vào lớp một? Với mình, mình sẽ lựa chọn dạy chữ cho con thông qua hoạt động và vui chơi như ở trường mầm non như xếp chữ, viết bằng tay trên cát, viết màu trên vải… Mình tin rằng, với cách thức này, con vẫn còn sự háo hức của việc học viết bằng bút chì hay bút mực khi vào lớp một. Và khi con đã biết chữ, cô giáo không bảo “chắc con có vấn đề hihi”.
Bé Ong Sài Gòn