Một ngôi làng ở miền Bắc nước Ý đã nổi tiếng toàn thế giới vì phương pháp giáo dành cho trẻ mầm non. Ngày nay, phương pháp giáo dục này được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển và nhận được mối quan tâm lớn từ phía phụ huynh bởi khả năng giải phóng trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ.
Reggio Emilia là gì?
Reggio Emilia là phương pháp giáo dục cho trẻ mầm non được Loris Malaguzzi (1920-1994) – nhà tâm lý học người Ý phát triển từ những năm 40 của thế kỷ 20 và được đặt tên theo ngôi làng Reggio Emilia ở phía Bắc của Ý.
Hậu quả nặng nề của thế chiến thứ 2 đã xóa sổ toàn bộ những ngôi trường tại Reggio Emilia. Để bắt đầu lại cuộc sống và mở ra một tương lai mới cho những đứa trẻ tại đây, người dân của Reggio Emilia đã cùng nhau đi xin đất, dựng lại trường và thay phiên nhau dạy học. Không có chương trình giáo dục tiêu chuẩn, dân làng nơi đây dạy và trả lời những câu hỏi của lũ trẻ bằng cách cho chúng tìm hiểu thế giới xung quanh, khám phá thiên nhiên và tham gia vào các trò chơi. Khi những đứa trẻ tò mò về cá, họ sẽ tổ chức một buổi dã ngoại đến hồ nuôi cá hay cùng đi thả cá, cho cá ăn, đối thoại về cá và nói chuyện với cá. Tại Reggio Emilia, người lớn và trẻ nhỏ được khuyến khích công khai những ý tưởng mới và sẵn lòng thử nhiều cách khác nhau để hiện thực hóa ý tưởng đó.
Phương pháp giáo dục trong môi trường tự nhiên này đã truyền cảm hứng cho nhà tâm lý học Loris Malaguzzi, khi ấy là một giáo viên tiểu học tại Reggio. Dưới sự hướng dẫn của Loris Malaguzzi, các nhân viên của các trung tâm Trẻ sơ sinh – Trẻ nhỏ và trường mẫu giáo ở Reggio đã cùng nhau nghiên cứu về các ví dụ thực hành tốt từ khắp nơi trên thế giới. Trong quá trình đó, họ cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ phương pháp giáo dục Montessori (là phương pháp giáo dục coi trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ do tiến sĩ người Ý Maria Montessori (1870 – 1952) sáng lập từ đầu thế kỷ XX và được áp dụng tại 5.000 trường học ở Mỹ, Canada, Ấn Độ…). Cho đến khi qua đời vào năm 1994, Loris Malaguzzi đã dành cả cuộc đời của mình để phát triển thành công những gì mà hôm nay chúng ta gọi là phương pháp tiếp cận Reggio Emilia.
Triết lý giáo dục của phương pháp Reggio Emilia Hình ảnh về đứa trẻ
Trái với những quan niệm thông thường trẻ em như một tờ giấy trắng trống rỗng và đợi chúng ta lấp đầy những kiến thức vào trong chúng, phương pháp tiếp cận Reggio Emilia tin rằng: mỗi đứa trẻ đều sở hữu những năng lực vô tận và chúng đang chờ đợi được đóng góp cho thế giới. Không phải là những đối tượng bị động, trẻ em thực chất rất giàu tiềm năng, mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng. Reggio nhận định rằng thông qua sự tò mò và trí tưởng tượng trong quá trình học hỏi, những năng lực ẩn sâu bên trong của đứa trẻ sẽ dần được giải phóng.
Hàng trăm ngôn ngữ trẻ thơ
Nghệ thuật diễn đạt được xem là một chìa khóa quan trọng tại các trường học Reggio. Tại đây, trẻ em được khuyến khích tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau như vẽ tranh, đóng kịch, âm nhạc, khiêu vũ hay đọc viết… Ngoài toán học và đọc viết, những hoạt động nghệ thuật cũng đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển của một đứa trẻ. Trẻ có thể diễn tả sự hiểu biết, cảm xúc hay ý tưởng của mình bằng nhiều cách khác nhau thông qua những bức vẽ, điệu nhảy, câu chuyện, âm nhạc…, được gọi là “hàng trăm ngôn ngữ trẻ thơ”.
Đặc biệt, trong phương pháp Reggio, quá trình học hỏi được đánh giá quan trọng hơn rất nhiều so với sản phẩm cuối cùng là thành tích học tập. Việc tham gia vào các môn nghệ thuật khác nhau cho phép trẻ em xem xét cùng một vấn đề bằng nhiều phương tiện, nhiều cách thức, nhiều khía cạnh đa dạng. Từ đó giúp trẻ thấu hiểu vấn đề ở một mức độ cao hơn. Nếu chỉ tập trung vào việc giáo dục các kỹ năng đọc hoặc viết, có thể bạn đã bỏ qua rất nhiều những năng lực khác của đứa trẻ mà chúng có thể biểu đạt qua cử chỉ, âm nhạc, vẽ tranh hay đóng kịch kể chuyện. Reggio thuyết phục mọi người rằng nghệ thuật diễn đạt có thể cho trẻ em cơ hội nhìn và trải nghiệm thế giới của chúng bằng nhiều cách khác nhau. Các em được khuyến khích dùng tất cả các giác quan để khám phá tri thức thông qua việc quan sát, phân tích và chia sẻ cùng nhau mọi thứ chúng đã được trải nghiệm. Từ những gì tích lũy được, chúng có thể sáng tạo ra những điều mới lạ thú vị một cách đầy bất ngờ.
Kế hoạch giảng dạy linh hoạt
Chương trình Reggio Emilia giảng dạy không theo một giáo trình sẵn có, nhưng điều đó không có nghĩa là việc dạy và học tại các trường Reggio không có kế hoạch cụ thể. Bằng việc quan sát và lắng nghe sở thích cũng như nguyện vọng của những đứa trẻ, các giáo viên tại đây sẽ quyết định chủ đề tiếp theo mà chúng được tìm hiểu. Nếu như đứa trẻ của bạn nói rằng chúng thích công việc xây dựng, cô giáo sẽ mang những mẩu gỗ và các vật liệu xây dựng đến lớp học. Và trong quá trình say sưa với việc đóng đinh, những đứa trẻ sẽ được củng cố các kỹ năng về toán học, cũng như khám phá thêm nhiều kiến thức mới có liên quan đến lĩnh vực xây dựng này (lịch sử, vật lý, mỹ thuật…).
Một nội dung có thể trở thành chủ đề dạy và học trong nhiều ngày, vài tuần và có khi là cả một năm học. Các bài học không bị ràng buộc trong một khung thời gian cứng nhắc mà luôn bám sát vào tốc độ tiếp thu của đứa trẻ. Trong các lớp học Reggio, các giáo viên làm công việc quan sát và ghi lại hoạt động thú vị hàng ngày ở trường của trẻ bằng nhiều công cụ khác nhau như máy ảnh, máy ghi âm hay sổ nhật ký. Bằng cách này, giáo viên có thể theo dõi các suy nghĩ và ý tưởng sáng tạo của những đứa trẻ khi chúng chơi cùng nhau hay làm việc với các nguyên liệu. Những tài liệu này cũng cho phép giáo viên nhìn nhận và đánh giá năng lực cá nhân của một đứa trẻ, dự đoán những bước đi tiếp theo cần thực hiện. Nó không chỉ đơn giản là trẻ có thể làm gì, mà những gì đứa trẻ có thể làm sẽ mang lại những cơ hội phù hợp với chúng như thế nào.
Mối quan hệ giữa giáo viên, phụ huynh và trẻ em
Reggio Emilia đề cao tính cộng đồng và cho rằng việc giáo dục một đứa trẻ là công việc của cả tập thể. Gia đình và các bậc phụ huynh được khuyến khích tham gia vào việc dạy học ở nhiều cấp độ khác nhau. Ngoài việc tham gia điều hành trường học thông qua những thành viên được bầu chọn vào hội đồng trường, các bậc cha mẹ còn được khuyến khích tham gia vào các cuộc họp do nhà trường tổ chức để thảo luận các quan ngại về chính sách và giáo dục. Để thúc đẩy sự phát triển chung, các trường học Reggio thường xuyên tổ chức những sự kiện đa dạng trong suốt năm học: các hội thảo và bài giảng đặc biệt cho phụ huynh về những vấn đề sức khỏe, chế độ ăn uống cân bằng hay vai trò của tôn giáo trong giáo dục… Những cuộc tranh luận với nhiều cách tiếp cận khác nhau là một phương pháp hiệu quả để đưa ra những sáng kiến cho hành trình giáo dục.
Môi trường là người thầy thứ 3
Hầu hết ở các trường học Reggio Emilia đều có những xưởng với đầy đủ đất nặn, màu vẽ, các dụng cụ lắp dựng,… Những đứa trẻ tại đây được khuyến khích sử dụng các nguyên liệu này để làm rõ những khái niệm mà chúng đang học thông qua việc thực hành. Ngoài ra, thiết kế nội thất và không gian lớp học tại Reggio cũng được tính toán kỹ lưỡng sao cho trẻ có thể sử dụng một cách dễ dàng. Chỗ ngủ của những đứa trẻ có thể được tạo ra như những cái kén ra vào tự do, hay những chiếc gương được dựng thành kim tự tháp cho phép trẻ bước vào bên trong khám phá những điều thú vị liên quan đến hình ảnh đa chiều. Các ngôi trường Reggio thường có những bức tường màu trắng để trẻ em tự do sáng tạo những bức vẽ nghệ thuật của chúng. Đặc biệt, cây cối được bố trí cả bên trong và bên ngoài lớp học nhằm tạo nên một không gian mở liên kết với thế giới tự nhiên bên ngoài.
Giáo viên là người dẫn dắt
Vai trò của giáo viên trong các trường học Reggio là tìm hiểu và xây dựng sự tin tưởng trong trẻ, khuyến khích trẻ tương tác và đặt câu hỏi. Bằng cách gợi mở khéo léo, giáo viên có thể kích thích trí tưởng tượng và giúp trẻ nảy ra những ý tưởng đa dạng. Mọi giả thuyết của trẻ đều được tôn trọng và việc phạm sai lầm là một điều tất yếu được chấp nhận trong quá trình học hỏi. Trẻ em sẽ tự tìm ra đáp án cho những vấn đề chúng thắc mắc và giáo viên chỉ can thiệp khi thật sự cần thiết. Tại các trường Reggio, các giáo viên phải học cách quan sát và làm việc với trẻ theo từng nhóm nhỏ trong suốt một thời gian dài để tạo sự tin tưởng và thấu hiểu. Mỗi tuần một lần, giáo viên được tham gia vào cuộc gặp gỡ với những đồng nghiệp khác để chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận vấn đề dạy học. Ngoài ra, họ cũng được tạo điều kiện để giao lưu cùng những người nằm ngoài lĩnh vực sư phạm như nhà khoa học, nhạc sĩ, nhà văn, kiến trúc sư, nhà thơ,… để tìm kiếm những cách thức khác nhau trong việc phát triển năng lực của những đứa trẻ.
Trịnh Hữu Duyên
Tạp chí Mẹ và Bé – Bộ mới/Số 3 (Đặc biệt Hè 2017)