BeesTalk 06: 15 phút chú tâm – “Tự biết thương mình” đã diễn ra với chủ đề chính về “Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn” (Self-Compassion), mang đến những kiến thức khoa học và góc nhìn giáo dục từ các chuyên gia. Chương trình không chỉ là một buổi chia sẻ về cảm xúc, mà còn là cơ hội để ba mẹ và nhà trường thấu hiểu hơn về tâm lý trẻ, giúp con hình thành những suy nghĩ tích cực ngay từ những năm đầu đời.
Mở đầu chương trình, diễn giả Trịnh Hải Linh đã đặt câu hỏi thú vị: “Ba mẹ nghĩ thế nào là lòng trắc ẩn và trong thang điểm từ 1 đến 5, ba mẹ chấm cho mình được mấy điểm?”. Câu hỏi này không chỉ khơi gợi sự tự nhận thức mà còn mời gọi các phụ huynh suy ngẫm về cách họ đối xử với chính bản thân. Phụ huynh Thuỳ Anh, có bé chuẩn bị nhập học tại Bé Ong Sài Gòn cơ sở An Phú, đã chia sẻ: “Em nghĩ là tự thương mình là thông cảm cho bản thân, lắng nghe cảm xúc của mình, bớt khắt khe với bản thân hơn đối với những khó khăn mình gặp phải. Em chấm em 4 điểm.” Những chia sẻ chân thành như vậy đã tạo nên một không khí gần gũi và ấm áp, mở đầu buổi hội thảo đầy yêu thương và thấu cảm.
1. Tìm hiểu “tự trắc ẩn là gì”?
Trong phần đầu của chương trình, diễn giả chia sẻ về khái niệm tự trắc ẩn (Self- Compassion) – đó là khả năng đối xử với chính bản thân một cách tử bi và chấp nhận, nhất là khi đối mặt với khuyết điểm hoặc thất bại. Điều này rất quan trọng đối với trẻ, giúp con giảm lo âu, điều chỉnh cảm xúc tốt hơn và tăng cường lòng tự tin.
2. Hiểu đúng về tự trắc ẩn: Loại bỏ những quan niệm sai lầm
Nhiều người vẫn nhầm lẫn tự trắc ẩn với nuông chiều bản thân. Tuy nhiên, tự trắc ẩn không có nghĩa là luôn tha thứ cho mình hay tốt bụng vô điều kiện, mà là biết cách nhìn nhận bản thân và những sai lầm một cách chân thật, dịu dàng và khuyến khích bản thân tiến bộ.
3. Biểu hiện của tự trắc ẩn theo độ tuổi và cách nuôi dưỡng khả năng tự trắc ẩn cho trẻ
Mỗi độ tuổi có những biểu hiện khác nhau về tự trắc ẩn:
0-2 tuổi: Xây dựng sự an toàn về mặt cảm xúc
2-4 tuổi: Hình thành thói quen tự nói chuyện tích cực và học cách kiểm soát cảm xúc
4-6 tuổi: Tăng cường khả năng tự điều chỉnh cảm xúc và kiên nhẫn với bản thân.
Tại BeesTalk 06, các diễn giả đã chia sẻ những chiến lược hiệu quả giúp ba mẹ có thể dạy con tự trắc ẩn:
- Tạo môi trường an toàn để con thể hiện cảm xúc
- Hướng dẫn con biết chấp nhận lỗi sai và học từ chúng
- Khuyến khích con suy nghĩ tích cực về bản thân
4. Kinh nghiệm thực tiễn từ các cô Ong
Các cô hiệu trưởng từ Bé Ong Sài Gòn đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế về việc ứng dụng tự trắc ẩn trong môi trường giáo dục mầm non:
- Tích hợp tự trắc ẩn vào chương trình EYFS: Thông qua các hoạt động cảm xúc – xã hội, giúp trẻ hiểu và thực hành sự tự trắc ẩn ngay từ nhỏ.
- Hoạt động kích thích lòng tự trắc ẩn: Trò chuyện cùng trẻ, khuyến khích trẻ diễn đạt cảm xúc và giúp trẻ nhìn nhận những tình huống khó khăn theo hướng tích cực.
- Cách xử lý khi trẻ gặp khó khăn: Các cô đã đưa ra nhiều phương pháp hiệu quả để hỗ trợ trẻ khi gặp áp lực, từ việc trò chuyện đến hướng dẫn trẻ thực hành mindfulness.
5. Tình huống thực tế và thực hành lòng trắc ẩn cùng các chuyên gia
Xuyên suốt chương trình, cùng với những kiến thức từ tâm lý học, ba mẹ đã có cơ hội đặt câu hỏi trực tiếp và nhận được những lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia. Các câu hỏi và tình huống chủ yếu xoay quanh những vấn đề thiết thực mà ba mẹ thường gặp phải trong quá trình nuôi dạy con, chẳng hạn như:
- Ba mẹ nên xử lý thế nào khi quên lời hẹn với con?
- Làm sao để giúp con không cảm thấy áp lực khi mắc lỗi?
- Cách phản ứng khi con có suy nghĩ tiêu cực về bản thân?
Những chia sẻ thực tế này không chỉ giúp ba mẹ giải đáp thắc mắc, mà còn trang bị cho họ những công cụ thiết thực để hỗ trợ con trong hành trình phát triển cảm xúc và nuôi dưỡng lòng tự trắc ẩn.
Cuối chương trình, diễn giả cũng giới thiệu đến các phụ huynh bài tập “Lắng nghe chính mình” – một phương pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Bài tập này giúp ba mẹ và các con rèn luyện lòng tự trắc ẩn thông qua việc hít thở sâu, ở lại và quan sát bản thân một cách tĩnh tâm.
Hành trình giúp con nuôi dưỡng lòng tự trắc ẩn không phải là một quá trình ngắn ngủi, mà là sự đồng hành kiên trì và bền bỉ từ gia đình và nhà trường. Bé Ong Sài Gòn xin chân thành cảm ơn ba mẹ đã tham gia và đón nhận chương trình với sự quan tâm sâu sắc.
Cảm ơn ba mẹ đã tham gia BeesTalk 06. Hẹn gặp lại ba mẹ tại BeesTalk 07 với chủ đề “15 phút chú tâm – Vững vàng vào lớp một” vào ngày 15.04. Chắc chắn đây sẽ là một buổi chia sẻ đầy bổ ích!